Tôi có thể phẫu thuật thành giới tính mà tôi mong muốn không?

Được. Nếu bạn là người liên giới tính (mà pháp luật Việt Nam đang dùng từ người “khuyết tật bẩm sinh về giới tính” hay “giới tính chưa được định hình chính xác”) thì bạn có quyền phẫu thuật để xác định lại giới tính.

Nếu bạn là người chuyển giới (sinh ra với giới tính bẩm sinh rõ ràng là nam hoặc nữ), bạn cũng có quyền thực hiện việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính thành giới tính mà mình mong muốn. Đây là một điểm mới trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) 2015 so với Bộ luật Dân sự 2005, tuy nhiên quy định chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục sẽ được cụ thể hóa trong tương lai. Đọc thêm "10 câu hỏi về chuyển đổi giới tính tại Việt Nam từ ngày 1/1/2017".

Bộ luật Dân sự. Có hiệu lực từ 1/1/2017.


Điều 36. Quyền xác định lại giới tính
1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Điều 37. Chuyển đổi giới tính

Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. 

Nghị định 88/2008/NĐ-CP.

Điều 3. Nguyên tắc xác định lại giới tính.

1. Bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình.

Điều 4. Hành vi bị nghiêm cấm.

1. Thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính.